vn en

Nhiều thách thức đón đợi ngành dệt may trong năm 2022

Đăng bởi Công Ty TNHH dệt may xuất khẩu Đăng Dương vào lúc 30/05/2022

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,3% so với năm 2020. Trong đó, chỉ số sản xuất sợi tăng 8,4% và chỉ số sản xuất vải dệt thoi tăng 7,2%. Về sản xuất các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may: Sản lượng các mặt hàng sợi năm 2021 đều tăng trưởng nhưng ở mức không cao. Trong đó,sợi tơ (filament) tổng hợp đạt sản lượng cao nhất hơn 1,5 triệu tấn, tăng 1,16% so với năm 2020. Tiếp đến là sợi xe từ các loại sợi tự nhiên đạt trên 992,2 nghìn tấn, tăng 8,9%; sợi từ bông (staple) tổng hợp có tỷ trọng của loại bông này dưới 85% đạt 204,82 nghìn tấn, tăng 7,81%.

Về sản xuất vải trong năm 2021: Vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) nhân tạo có sản lượng đạt cao nhất 606,4 triệu m2, đây cũng là sản phẩm vải duy nhất có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 8,95%). Các sản phẩm khác có sản lượng tăng là vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên đạt 471,8 triệu m2, tăng 0,7%; vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) tổng hợp đạt gần 321,6 triệu m2, tăng khá (13,43%); vải dệt thoi khác từ sợi bông đạt 109,43 triệu m2, tăng 7,28%. 

Năm 2021, ngành dệt may đã về đích với 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,2% so với năm trước. Nhưng xét về thị phần, dệt may Việt Nam không có sự cải thiện. Trong số các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam năm 2021, ngoài Mỹ, có sự phục hồi bằng năm 2019 với khoảng 100 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc; các thị trường lớn còn lại của dệt may Việt Nam khả năng phục hồi thấp, thậm chí thấp hơn năm 2020. Điều này tiếp tục là thách thức cho ngành năm 2022.

Đồng thời, doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại: Chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ; mất cân đối lao động, doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý 3/2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ thế nào sau đó vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch. Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia, dù thị trường dệt may khởi sắc nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021.

Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” như: Thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Rào cản lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp là khoản đầu tư lớn khi đầu tư máy móc, công nghệ. Tuy nhiên, không phải vì thấy khó mà dừng lại, vì nếu để mất khách hàng doanh nghiệp sẽ không thể duy trì hoạt động. Do đó, chuyển đổi theo hướng “xanh hóa” là vấn đề cấp bách của các doanh nghiệp.

Trước những thách thức của ngành, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine, vì đây là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới. Cùng với đó, ngành dệt may mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do...

Từ thực tiễn đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành dệt may qua hai năm xảy ra dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp nhận thấy, làm chủ nguyên liệu trong nước là giải pháp tiên quyết giúp phát triển bền vững, chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài. Điển hình như, Vinatex cùng các đơn vị thành viên đang tiếp tục đẩy mạnh phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi- dệt- nhuộm- may trong nước.

Liên quan đến việc "xanh hóa" ngành dệt may, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may đặt ra kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước. Đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời, xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Về lâu dài, các doanh nghiệp dệt may rất cần sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành. Đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất, tỷ giá phải phù hợp cho thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm có hướng dẫn gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi nhanh.

Mặt khác, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan, sửa đổi quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP, cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn thay vì khuyến khích gia công.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
zalo +84 866 812 959 zalo +84 866 812 959
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Công ty TNHH dệt may xuất khẩu Đăng Dương
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn
vn en